Dám nghĩ, dám làm
Anh Triệu Văn Nhất sinh năm 1987, tuổi Đinh Mão, dân gian có câu “Trai Đinh Nhâm Quý thì tài”, câu nói này có lẽ đúng với anh.
Anh Triệu Văn Nhất, Trưởng thôn Bản Tàm, xã Sơn Phú (Na Hang).
Cách trung tâm xã Sơn Phú chừng 8 km, thôn Bản Tàm được gọi là thôn “sơn cùng thủy tận”, sở dĩ gọi như vậy bởi đây là thôn xa, khó khăn nhất của xã Sơn Phú. Đời sống người dân quanh năm chỉ trông chờ vào hạt lúa, hạt ngô, nhiều khi tưởng chừng không thoát ra khỏi cái nghèo.
Là người trẻ, nuôi chí lớn, năm 2015, anh Nhất khi đó là đoàn viên của chi đoàn thôn, bắt đầu ra ở riêng, khác với bạn bè cùng trang lứa đi làm việc tại các khu công nghiệp hoặc đi làm thuê xa xứ thì anh lại quyết tâm bám trụ với đồng đất quê hương. Anh nhớ lại, đầu năm đó, anh mạnh dạn cải tạo 7 ha đất rừng của gia đình và vay mượn để mua thêm đất của người dân quanh vùng đầu tư phát triển kinh tế rừng. Ngày đó, ai cũng nghĩ anh “khùng” bởi tiền lệ nơi đây cũng chưa có ai chọn rừng làm kinh tế, kiên trì thực hiện ước mơ, đến cuối năm 2017, anh Nhất đã hoàn thành cải tạo và trồng mới được 10 ha rừng, rồi những câu chuyện về bảo vệ cây non khỏi trâu bò phá hoại, xử lý bệnh tật lúc mới trồng chắc là kỷ niệm anh không bao giờ quên.
Không phụ công người chăm sóc, những cánh rừng dần phát triển, xanh rì giữa những mảng đất hoang hóa. Dần dà, người dân Bản Tàm bắt đầu thấy anh Nhất đúng, rồi họ tìm hiểu và đến năm 2018, cả thôn trồng rừng, ai cũng bảo “Nhất làm trước có hiệu quả thì họ cũng làm theo”. Bởi vậy, ai cũng nể anh lắm, giữa năm 2019, anh Nhất được cả thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Anh kể, bất ngờ lắm, được Nhân dân tín nhiệm vừa là vinh dự nhưng trọng trách cũng lớn lao, với vai trò “đầu tàu” anh càng quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm để đưa người dân thoát nghèo.
Những con đường bê tông nội thôn hoàn thành nhờ vận động hiến đất.
Luôn đi đầu
Anh Nhất miêu tả, Bản Tàm tuy vẫn là thôn khó khăn, nhưng nay đã có điện lưới quốc gia, có đường bê tông nội thôn, có kênh mương nội đồng dẫn nước tới tận các xứ đồng. Người dân thay đổi tập quán canh tác từ cây lúa 1 vụ lên 2 vụ, thu nhập bình quân đầu người đã nâng lên trên 30 triệu đồng/người/năm.
Nhớ lại câu chuyện đánh đổi 6 sào lúa của gia đình để làm lúa 2 vụ ngày xưa, anh vẫn run vì sự táo bạo của mình. Anh Nhất nhớ lại, ngày xưa Bản Tàm chỉ biết canh tác lúa 1 vụ, mạnh ai nấy làm, không theo khung thời vụ, nhớ nhất vụ xuân năm 2020 khi “chân ướt chân ráo” với vai trò làm trưởng thôn, anh Nhất đi từng nhà vận động người dân làm đúng khung thời vụ để tiện chăm sóc và có thể làm lúa được 2 vụ. Anh kể, nhiều lúc cũng cảm thấy bất lực bởi sự “ngang ngạnh” của người dân, anh đánh liều cá cược canh tác 2 vụ trên 6 sào lúa của gia đình, nếu không thành công anh đền bù thóc cho các gia đình làm theo nếu mất mùa. Anh bảo, rất may năm 2020 là năm thắng lớn, năng suất cao vượt trội, cũng là năm đầu tiên Bản Tàm làm 2 vụ lúa. Từ vài hộ làm đến năm 2021, toàn bộ 102 hộ dân cùng làm theo, cái đói nhờ thế từng bước được đẩy lùi một cách “ngoạn mục”.
Nhìn sự khang trang của Bản Tàm hôm nay, thật không ai nghĩ chỉ cách đây chừng 2 năm, đây là thôn không đường, không điện. Anh Nhất bồi hồi, nhớ mãi tháng 9 - 2022, khi bắt đầu có chủ trương kéo điện lưới quốc gia, ai cũng vui mừng và đồng thuận, nhưng khi khảo sát đặt cột phải lấy đất của 20 hộ dân trong thôn, lúc này mâu thuẫn đã dần xuất hiện. Nhiều hộ dân chống đối ra mặt bởi “tấc đất tấc vàng”, nhất là đất vùng cao, khai phá, san ủi vô cùng vất vả và tốn kém. Đúng lúc tưởng chừng bế tắc, ngay đầu thôn có ông Trịnh Quốc Huy, sau nhiều lần được anh Nhất tỉ tê vận động, ông tự nguyện hiến 1.000 m2 đất vườn ngay phía sau nhà để cho đơn vị thi công đặt Trạm biến áp và làm cột.
Anh Nhất cùng ông Trịnh Quốc Huy tại diện tích đất hiến làm đường điện.
Hành động đẹp của ông Huy chính là chiếc phao cứu sinh, trở thành tấm gương sáng cho nhân dân trong thôn. Cách vận động, tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” đã dần dà khiến các hộ dân nghe theo, rồi biến thành tự giác. Tết năm 2023, điện đã về thôn và số diện tích đất người dân hiến đã lên gần 3.000 m2, một con số “khủng” của xã Sơn Phú và của cả huyện Na Hang.
Dẫn phóng viên chúng tôi đi trên những con đường bê tông nối liền các khu sản xuất, anh Nhất chỉ tay vào con đường mới hoàn thành, chạy “vắt vẻo” qua một phần ao cá. Anh Nhất cho biết, ngay như con đường chạy qua gia đình anh Triệu Dào Sênh, trông đơn giản thế nhưng đó là sự nỗ lực của cả tập thể. Để có con đường này, anh cùng nhiều cán bộ thôn tự bỏ công san lấp một phần ao cá giúp gia đình để đổi đất làm đường và khi hoàn thành mặt bằng chuẩn bị triển khai đổ bê tông thì chính gia đình lại chủ động hiến thêm gần 200 m2 đất để nắn mở rộng con đường. Rồi những câu chuyện anh Nhất tự bỏ tiền túi vận chuyển cấu kiện bê tông đúc sẵn làm kênh mương nội đồng đến nay vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người dân.
Đồng chí Hà Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú chia sẻ, thôn Bản Tàm hôm nay đang đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng với trên 100 ha. Đời sống của người dân đã từng bước nâng cao, trong thôn đã xuất hiện nhiều hộ khá giàu, có thu nhập mỗi năm từ 50 đến trên 100 triệu đồng. Ngoài việc chỉ làm kinh tế nông nghiệp, người dân hôm nay đã hướng đến những mô hình kinh tế mới từ chăn nuôi, dịch vụ để nâng cao hiệu quả. Chính quyền xã cũng ghi nhận những nỗ lực vận động của trưởng thôn Triệu Văn Nhất, tuy tuổi còn trẻ nhưng cách vận động khéo léo, hiệu quả, luôn hết mình vì việc chung thật đáng quý trọng.
Trước khi chia tay, anh Nhất muốn cho chúng tôi tham quan khu lồng cá của thôn, chỉ tay về phía lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, anh quả quyết, thôn Bản Tàm hiện phát triển nuôi 46 lồng cá, với 7 hộ chăn nuôi và đang mang lại hiệu quả. Toàn thôn hiện vẫn còn 87/102 hộ nghèo, con số tuy cao nhưng nhất định với tư duy đưa cái mới vào làm kinh tế, trong thời gian không xa Bản Tàm sẽ thay da đổi thịt.
Gửi phản hồi
In bài viết